Cầu Trần Hưng Đạo, Hà Nội: Hướng kết nối trọng điểm phía Bắc sông Hồng

cau tran hung dao

Cầu Trần Hưng Đạo là một trong số 6 cây cầu vượt sông Hồng, sông Đuống đã được Hà Nội xác định là hướng kết nối trọng điểm nhằm phát triển đô thị về phía Bắc sông Hồng. Đây đồng thời là dự án có tác động tích cực tới việc thực hiện giãn dân phố cổ khu vực quận Hoàn Kiếm và vì vậy cần vào cuộc quyết liệt của nhà đầu tư và của cơ quan quản lý Nhà nước.

Cần chuẩn bị sớm mặt bằng

Để mở thêm hướng kết nối khu đô thị phía Bắc với trung tâm nhằm đẩy kế hoạch giãn dân cơ học khu vực phố cổ, Hà Nội đã lên kế hoạch xây dựng cầu Trần Hưng Đạo và tiếp tục hoàn thành giai đoạn 2 cầu Vĩnh Tuy.

Theo các chuyên gia về giao thông, việc đầu tư một công trình vượt sông Hồng trong phạm vi 4 quận nội thành như cầu Trần Hưng Đạo là hết sức cần thiết và khả thi. Khi công trình được hoàn thành sẽ mở thêm một lối lưu thông, kết nối thẳng vào trung tâm thành phố, giảm tải cho các cầu: Chương Dương, Long Biên, Vĩnh Tuy và Thanh Trì.

Mặt khác, cầu Trần Hưng Đạo cũng được kỳ vọng góp thêm một lời giải cho bài toán giãn dân khu vực phố cổ (quận Hoàn Kiếm) hóc búa lâu nay. Đây được coi giải pháp duy nhất để khắc phục tình trạng quá tải hạ tầng xã hội và kỹ thuật, cũng như để bảo tồn, tôn tạo khu phố cổ được xác định là giãn dân cơ học. Trong khi đó, đề án giãn dân phố cổ, được UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất sử dụng quỹ nhà tái định cư thuộc khu đô thị mới Việt Hưng (Long Biên). Nhưng cách xa nơi ở cũ khoảng 7km và việc đi lại khó khăn, do thường xuyên ùn tắc tại cầu Long Biên và Chương Dương vào giờ cao điểm.

Thực tế ngân sách hạn hẹp trong khi nhu cầu xây dựng quá lớn khiến tốc độ phát triển mạng lưới giao thông của Hà Nội đang trở nên khá chậm chạp so với sự gia tăng dân số, phương tiện giao thông, quá tải, ùn tắc giao thông xảy ra ở nhiều nơi, là áp lực không nhỏ đối với kinh tế xã hội.

Đây là yếu tố để UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho Công ty CP Him Lam nghiên cứu, lập báo cáo tiền khả thi dự án xây dựng cầu Trần Hưng Đạo theo phương thức PPP, loại hợp đồng BOT, trong đó bao gồm cả phương án kiến trúc.

Đại diện Ban QLDA đầu tư xây dựng công trình giao thông TP.Hà Nội cho biết, dự án mới đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư. UBND TP.Hà Nội mới giao cho Him Lam nghiên cứu, tất cả các vấn đề về vốn, thu phí… đều chỉ là dự kiến. Khi có phương án chính thức và quyết định đầu tư sẽ công bố cho người dân được biết.

Trao đổi với Báo Lao Động, PGS-TS Nguyễn Hồng Thái – Phó Trưởng khoa Vận tải Kinh tế, Trường Đại học Giao thông Vận tải – cho rằng, phần lớn các dự án giao thông của chúng ta bị chậm tiến độ là do nguồn vốn và giải phóng mặt bằng.

Do đó, Hà Nội cần tính đến quy mô giải phóng mặt bằng. Muốn đem lại lợi nhuận để Nhà nước có nguồn thu, thì phải thực hiện việc giải phóng mặt bằng rộng hơn so với dự định để có thể tái đầu tư để bán lại cho các nhà đầu tư tư nhân khác và tránh việc đầu cơ đất sau khi hình thành lên các tuyến giao thông và tránh trường hợp nút thắt cổ chai, nhà méo, nhà mỏng không phù hợp với quy hoạch cảnh quan đô thị. Cần phải đưa vào nghị quyết để đảm bảo chung cho toàn xã hội, giảm thiểu mức độ đầu tư của Nhà nước và hiện Đà Nẵng đang làm rất tốt việc này.

Cau-Tran-Hung-Dao----02
Theo quy hoạch chung của Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cầu Trần Hưng Đạo nằm trong số 18 cây cầu bắc qua sông Hồng trong tương lai.

Phải có quy hoạch rõ ràng về mặt bằng

PGS-TS Nguyễn Hồng Thái cho rằng, tái định cư cho người dân trong khu vực giải toả và ổn định cuộc sống của họ là yếu tố rất quan trọng khi triển khai cầu Trần Hưng Đạo. Do đó để đẩy nhanh tiến độ dự án, cần phải làm kế hoạch ngay từ đầu, phải làm điều tra đánh giá và mở rộng thêm dự án để xây dựng các công trình công cộng, các đô thị để bù đắp chi phí. Do đó, không thể đầu tư dàn trải mà phải dứt điểm từng dự án. Trong đó, mặt bằng liên quan đến cơ chế chính sách của địa phương là di chuyển người dân đến nơi ở mới có điều kiện thuận lợi hơn.

Để sớm triển khai dự án, chúng ta phải thực hiện nghiêm túc việc điều tra kỹ để có phương án di chuyển người dân trong vùng bị giải toả đi đâu.

Theo TS Phan Lê Bình (chuyên gia về giao thông), quan trọng nhất là nguồn vốn để thực hiện. Nếu một dự án thuộc nguồn vốn công, hoặc tư riêng biệt thì chúng ta đã có đầy đủ các cơ chế chính sách chuẩn và cứ theo đó mà làm. Nhưng đây là dự án đầu tư công tư, các thủ tục sẽ vất vả hơn đầu tư thuần tuý. Do đó, cần có sự vào cuộc quyết liệt để nhà đầu tư tư nhân và cơ quan quản lý Nhà nước làm việc có trách nhiệm, chứ không cần phải thêm cơ chế thì dự án mới được triển khai nhanh.

Theo các chuyên gia để tạo ra sự đồng thuận xã hội, cần phải công khai minh bạch về quy hoạch, diện tích đất cho dự án, giá trị đền bù. Với nguyên tắc hiện chính quyền địa phương phải giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư, cần phải tổ chức triển khai công khai, minh bạch, rõ ràng, cụ thể để người dân vùng bị di dời cũng chuẩn bị được cuộc sống mới. Trong trường hợp đã được công khai minh bạch mà không thực hiện sẽ dùng biện pháp hành chính để xử lý và sẽ nhận được sự đồng thuận của số đông.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline 24/7

Liên hệ trực tiếp qua Whatsapp

Liên hệ trực tiếp qua Zalo