Nga tấn công Ukraine tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam, ngành nào sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp?

Căng thẳng leo thang tại khiến thị trường tài chính toàn cầu chao đảo và thị trường chứng khoán trong nước cũng phản ứng tiêu cực. Việc Nga tấn công Ukraine sẽ có những tác động nhất định đến triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022.

Căng thẳng ở Ukraine tác động ra sao đến kinh tế Việt Nam?

Ngày 24/2, Tổng thống Vladimir Putin chấp thuận chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, qua đó cho phép lực lượng đặc nhiệm tiến vào vùng Donbas của Ukraine. Căng thẳng leo thang tại Ukraine ngay lập tức tác động tiêu cực đến nhiều chỉ số thị trường cũng như giá cả hàng hóa.

Liên quan đến vấn đề kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động ra sao bởi tình hình căng thẳng tại Ukraine, chia sẻ với người viết, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam nhấn mạnh các xung đột về địa chính trị bản chất cuối cùng cũng sẽ quay về các cuộc chiến thương mại.

Xét về mặt tiêu cực, đầu tiên sẽ tác động tới tâm lý của các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Trong các phiên giao dịch gần đây thị trường biến động rất mạnh, không chỉ ở thị trường Việt Nam mà điều này còn xảy ra ở hầu hết các thị trường khác.

Ông cho rằng điều này sẽ khiến cho dòng tiền tìm đến các kênh an toàn hơn như vàng, trái phiếu,… và dòng tiền sẽ không chảy nhiều vào cổ phiếu.

Diễn biến các chỉ số thị trường kết phiên 24/2. (Nguồn: VNDirect).
Việc giá vàng thế giới lên vùng cao nhất kể từ tháng 11/2020 khiến giá vàng miếng trong nước tăng mạnh.

Tác động tiêu cực thứ hai, theo ông Minh, là có thể làm gia tăng lạm phát.

Giám đốc phân tích của Yuanta Việt Nam cho rằng yếu tố ảnh hưởng ngay tới nền kinh tế có thể thấy rõ là hoạt động giao thương giữa các nền kinh tế của Mỹ, EU và Nga, chẳng hạn như hoạt động xuất nhẩu giữa hai khối quốc gia này.

Thực tế nguồn cung ứng hiện nay của Nga cho EU phần lớn liên quan đến dầu và khí. Nếu trong trường hợp mâu thuẫn thương mại xảy ra, EU sẽ không nhập dầu và khí của Nga nữa, điều này sẽ đẩy nhu cầu dầu tăng lên tại khu vực châu Âu, khiến giá dầu tăng.

Khi giá dầu tăng, đây sẽ là một trong những yếu tố quan trọng, đẩy tình hình lạm phát của cả nền kinh tế tăng lên, không chỉ Việt Nam mà còn ở toàn cầu. Như vậy, áp lực lạm phát ở Việt Nam sẽ gia tăng trong thời gian tới.

Ông Minh cho rằng điều này sẽ ảnh hưởng tới những chiến lược, chính sách tiền tệ trong bối cảnh các doanh nghiệp đang hồi phục trở lại sau đợt COVID-19 vừa qua.

“Yếu tố lạm phát có thể ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp cũng như cả nền kinh tế và khi áp lực Chính phủ phải điều chỉnh, kiềm chế lạm phát dưới mức 4% để chúng ta có thể duy trì mặt bằng lãi suất thấp”, ông nói.

Bên cạnh những tác động tiêu cực, ông Minh cũng đề cập đến ảnh hưởng tích cực, nằm ở làn sóng dịch chuyển FDI.

“Làn sóng dịch chuyển của các công ty đa quốc gia ra khỏi Trung Quốc đã xảy ra bắt đầu từ 2-3 năm gần đây. Như vậy, nếu cuộc chiến thương mại này diễn ra căng thẳng và kéo dài thì rất có khả năng sẽ trở thành động lực thúc đẩy rất nhanh chóng tới việc các doanh nghiệp FDI buộc phải rút ra khỏi Trung Quốc và dịch chuyển vào các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam.

Như vậy, thuận lợi về dài hạn đối với nền kinh tế Việt Nam có thể thấy rõ đây sẽ là động lực cho các doanh nghiệp FDI thúc đẩy dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc và vào Việt Nam”, ông Minh nhận định.

Ngành nào hưởng lợi, ngành nào gặp khó?

Triển vọng xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 có thể bị ảnh hưởng. (Ảnh minh họa: TTXVN).

Về ngành ảnh hưởng tích cực trực tiếp, Giám đốc phân tích của Yuanta Việt Nam đề cập đến nhóm ngành dầu khí. Ông cho rằng trong thời gian vừa qua khi giá dầu tăng sẽ thúc đẩy hoạt động khôi phục sản xuất dầu, như vậy những doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, sản xuất dầu khí sẽ được hưởng lợi.

Tuy nhiên, khi giá xăng dầu tăng, chi phí logistics cũng sẽ tăng cao, các doanh nghiệp dệt may, thủy sản sẽ chịu nhiều tác động. Điều này có thể dẫn đến tình hình xuất khẩu của các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng, gia tăng chi phí logistics. Biên lợi nhuận của các doanh nghiệp sẽ chịu ảnh hưởng từ vấn đề này.

Cùng quan điểm, chia sẻ với người viết, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính nhận định xuất khẩu của Việt Nam có thể gặp khó.

“Xung đột Ukraine và Nga xảy ra có thể sẽ đẩy giá dầu mỏ tăng lên. Giá dầu tăng cao có thể khiến các nguyên vật liệu như sắt, thép cũng tăng theo. Trong kịch bản kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể trở nên khó khăn. Những điều này khiến cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam chậm lại”, ông nói.

Ngoài ra, ông cho rằng các hoạt động sản xuất, đầu tư trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng bởi khi xảy ra căng thẳng, rủi ro trong đầu tư sẽ tăng lên đáng kể, lượng tiền đổ vào các quốc gia có nguy cơ giảm đi. Điều này cũng ảnh hưởng đến khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

“Tuy nhiên, trong phương diện khác, khi các doanh nghiệp trên thế giới đang có động thái ngại đầu tư vào một số khu vực trên thế giới, nếu Việt Nam vẫn giữ được niềm tin quốc tế thì Việt Nam có thể thu hút dòng vốn FDI nhiều hơn”, ông nói thêm.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Hotline 24/7

Liên hệ trực tiếp qua Whatsapp

Liên hệ trực tiếp qua Zalo